Ông Nguyễn Đắc Cường (phường Thuận Hòa, Huế) vừa có đơn khiếu nại gởi TAND thành phố Huế yêu cầu hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp trong vụ án tranh chấp nhà đất có liên quan đến gia đình ông.

Ngôi nhà 23 Hai Bà Trưng Huế phải đóng cửa suốt 3 năm qua vì bị tranh chấp. Ảnh: Nguyên Đức

Ba năm trước, ông Cường mua một căn nhà mà không biết rằng căn nhà đó phát sinh tranh chấp. Bỏ tiền ra mua, nhưng hiện ông không được sử dụng tài sản của mình, mà cũng chẳng biết cầu cứu ai để giải quyết.

Trong đơn trình báo các cơ quan chức năng, ông Cường cho biết vào tháng 11/2015, gia đình ông có mua căn nhà số 23 Hai Bà Trưng (Vĩnh Ninh, thành phố Huế) từ vợ chồng bà Lương Thúy Lành.

Mọi quy trình thủ tục đều diễn ra hợp pháp. Ngày 31/12/2015, ông đã nhận giấy chứng nhận chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy, căn nhà đó đã là tài sản thuộc sở hữu của gia đình ông.

Thế nhưng, vào tháng 02/2016, TAND thành phố Huế bỗng công bố đơn kiện của ông Lê Ngọc Thiện, đề nghị tòa án xem xét hủy hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 23 Hai Bà Trưng, giữa ông với vợ chồng bà Lương Thúy Lành.

Nguyên do là hai gia đình này trước đây đã lập hợp đồng chuyển nhượng căn nhà đó, và cơ quan chức năng đã cấp giấy chủ quyền sở hữu nhà đất cho vợ chồng bà Lành. Ông Lê Ngọc Thiện đương nhiên không còn quyền lợi và nghĩa vụ gì liên quan đến căn nhà mà ông đã đồng ý chuyển nhượng cho người khác.

Sau khi chuyển nhượng, ông Thiện có yêu cầu được thuê lại chính căn nhà đã bán của mình, và vợ chồng bà Lành đồng ý. Hợp đồng thuê hết hạn vào tháng 02/2016. Song đến lúc trả nhà thuê, ông Thiện bất ngờ đổi ý, đâm đơn đề nghị tòa án hủy hợp đồng dân sự về giao dịch đất đai và đòi lấy lại nhà đã bán.

Trước yêu cầu này, TAND thành phố Huế đã tiến hành xét sơ thẩm và phúc thẩm, đều bác đơn kiện của ông Thiện, với lý do không có cơ sở để hủy bỏ hợp đồng giao dịch dân sự đã tự nguyện ký giữa đôi bên.

Ông Thiện không đồng ý, tiếp tục có đơn kiện lên cấp thẩm quyền cao hơn, khiến sự việc kéo dài ra.

Điều đáng nói là trong lúc xảy ra sự vụ tranh chấp này, quyền sở hữu căn nhà đã thuộc về ông Cường, người được chuyển nhượng lại về sau và không có liên quan vụ việc. Nhưng TAND thành phố Huế lại ra Quyết định số 220/2016/QĐ-BPKCTT (ngày 02/6/2016), áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Cường phải mở cửa, giao ngôi nhà đó cho gia đình ông Thiện quản lý.

“Tôi rất bất ngờ khi tòa án ký quyết định buộc tôi giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng tôi cho một người không có liên quan quyền lợi gì”, ông Cường nói.

Song, vì tôn trọng cơ quan tố tụng, ông Cường chấp nhận giao chìa khóa ngôi nhà cho cơ quan thi hành án. Đến nay đã gần ba năm vụ kiện chưa xong. “Vợ chồng tôi đã thiệt hại nặng nề từ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, ông Cường chia sẻ.

Theo luật sư Đỗ Hữu Nhận (Đoàn Luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Cường, vụ kiện tranh chấp giữa ông Lê Ngọc Thiện và gia đình bà Lương Thúy Lành là không đủ cơ sở pháp lý. Hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa hai đương sự này là tự nguyện và cơ quan chức năng đã hoàn tất xác nhận giao dịch đó. Do đó, việc TAND thành phố Huế nhận đơn xét xử là đáng cân nhắc lại.

Vấn đề ở chỗ, ông Nguyễn Đắc Cường không hề liên quan đến tranh chấp, đã được chứng nhận các quyền sở hữu hợp pháp căn nhà đó, nay bỗng dưng bị vạ lây vì lá đơn của người khác.

Suốt ba năm qua, gia đình ông bị tổn thương về tâm lý và không được quyền sở hữu chính tài sản của mình, thiệt hại đó ai giải quyết? Ông Cường khẳng định, giữa lúc thị trường sôi động, ông không thể chuyển nhượng được tài sản đang sở hữu.

Trước nghịch cảnh đó, ông Cường đã nhờ luật sư can thiệp và hiện đã có đơn khiếu kiện TAND thành phố Huế thụ lý sai vụ án tranh chấp, ra quyết định không đúng, làm ảnh hưởng đến gia đình ông.

Theo ông Cường, nếu ai cũng giao dịch nhà đất xong rồi lại đâm đơn ra tòa, cho rằng giao dịch đó tranh chấp để đòi hủy hợp đồng thì thị trường bất động sản sẽ ra sao? Các trường hợp giao dịch nhà đất mà lâm vào cảnh trái khoáy này, rồi bị tòa án ra các quyết định phong tỏa tài sản thì ai sẽ đứng ra giúp giải quyết và đền bù thiệt hại?

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *